luatsu.pro
 

Hoàn cảnh đòi hỏi

Đại chiến II sắp kết thúc, phe Trục sắp đầu hàng, do vậy các nước chủ chốt thuộc phe Đồng Minh là Anh, Mỹ, Nga đã dự kiến xây dựng một nền hoà bình lâu dài cho nhân loại. Muốn vậy, mọi người phải sống trong một thế giới có tổ chức. Đó là cơ sở để năm 1945 Liên Hiệp Quốc được thành lập và Hiến Chương của nó ra đời.

Để vĩnh viễn loại trừ thảm hoạ chiến tranh, điều tiên quyết là phải tôn trọng phẩm giá từng con người, đồng nghĩa với phải bảo vệ và mở rộng QUYỀN LÀM NGƯỜI (human rights) của mỗi cá nhân.

Rốt cuộc phải có một Bản Tuyên Ngôn phổ quát về QUYỀN LÀM NGƯỜI.

Ngay thời đó, các quốc gia trong Liên Hợp Quốc đã thống nhất quan điểm: Bản Tuyên Ngôn về QUYỀN LÀM NGƯỜI khi được công bố phải chiếm một vị trí cao cả, phải có giá trị vĩnh hằng và phổ quát; nội dung phải tương xứng với thiên chức của nó: Là minh triết của nhân loại.

Do những đòi hỏi trên, Liên Hợp Quốc ở buổi sơ khai đã tốn gần 4 năm bàn bạc, xây dựng, để có thể công bố văn kiện lịch sử này vào khuya ngày 10-12-1948. Và đến nay nó đã được chính thức dịch ra 360 ngôn ngữ để bất cứ dân tộc nào, dù hết sức thiểu số, cũng có thể tiếp cận - trừ khi bị cố ý che dấu.

Quan niệm, triết lý và tính phổ quát

Tập thể 50 luật gia hàng đầu thế giới sẽ mãi mãi tự hào vì đã đóng góp trí tuệ uyên thâm để soạn thảo ra văn bản ban đầu. Để nó thật sự mang tính phổ quát (universal), các quyền trong Bản Tuyên Ngôn phải được mỗi cá nhân trong số 2 tỷ người (hồi đó) thừa nhận rằng: 1) Đây là các quyền tối thiểu để một con người xứng đáng là một NGƯỜI; 2) Đây là quyền bẩm sinh: Nếu đã sinh ra là kiếp người, đương nhiên phải có các quyền này; 3) Chúng đều khả thi ở mọi nước dân chủ; 4) Một chính quyền tự nhận là dân chủ có nghĩa vụ thực thi các quyền này như con cái tỏ lòng biết ơn với các đấng sinh thành ra mình.

Với đòi hỏi như trên, tập thể luật gia phải tham khảo đầy đủ các triết lý phương Đông và phương Tây, vì dự kiến sẽ có những thế lực nại ra sự khác biệt để không (hoặc hạn chế) thực thi Bản Tuyên Ngôn. Thật may mắn và đáng kinh ngạc, có hai câu châm ngôn của hai phương trời, vừa tỏ ra trường tồn nhất, phổ quát nhất, lại vừa có nội hàm và ý nghĩa trùng khớp đến tuyệt đối. Chúng xứng đáng được coi là kim chỉ nam trong cả quá trình soạn thảo.

Phương Đông có câu "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" của đạo Khổng. Nghĩa: Điều gì mình không muốn thì chớ thi hành cho người khác. 

Phương Tây từ cổ xưa có câu rất phổ cập "Ne fais pas à un autre ce que tu ne veux pas qu’il soit te fait". Nghĩa: Anh chớ làm cho người khác cái điều mà anh không muốn người đó làm cho mình. 

Đây chính là nền tảng triết lý của Bản Tuyên Ngôn.

Tập thể soạn thảo đã hết sức trung thành với triết lý rất nhân bản này. Đó là triết lý ứng xử không bao giờ cũ giữa người với người, kể từ khi con người biết chung sống trong xã hội, cũng như với “người” của hành tinh khác.

Quá trình soạn thảo và thông qua

Văn bản ban đầu đã rất nhiều lần được trao đổi tại LHQ để sửa chữa, bổ sung toàn diện, trong suốt mấy năm trời. Cuối cùng, tới giữa năm 1946, nó được giao cho một Uỷ ban đặc biệt gồm 9 vị, do LHQ cử ra, xem xét tiếp. Đây là các thành viên thuộc nhiều quốc tịch (Mỹ, Âu, Á, Trung đông...) với nhiều dị biệt về văn hóa. Dẫu vậy, còn có cả sự đóng góp của nhiều tổ chức phi chính phủ, rồi của những nhân vật xuất chúng, như: giáo sư luật khoa René Cassin (Pháp), tiến sĩ Giáo Dục học - rất am hiểu về Khổng học - P.C. Chang (Trung Quốc), bà quả phụ E. Roosevelt (phu nhân cố Tổng thống FD Roosevelt), giáo sư Triết học Charles H. Malik (Liban) v.v...

Sau khi dung hòa và tổng hợp, văn bản được coi là đã mang tính phổ quát, có thể công bổ phổ quát. Nó đáp ứng được câu hỏi: Nếu bỏ đi một quyền, thì liệu một con người có còn là “con người trọn nghĩa” hay không (?).
Khi văn bản được Uỷ ban soạn thảo trình ra trước Liên Hiệp Quốc, vẫn còn có nhiều cuộc họp với sự thảo luận sôi nổi, để các quốc gia đối chiếu rộng rãi với nhiều quan điểm triết học, chính tri, văn hóa giữa các dân tộc, giữa phương Đông và phương Tây.

Buổi họp cuối cùng kéo dài tới gần nửa đêm 10-12-1948, để Đại Hội Đồng bỏ phiếu. Đó là phiên họp toàn thể lần thứ 183 tại cung điện Chaillot ở thủ đô nước Pháp. Chỉ có 2 quốc gia vắng mặt nên không bỏ phiếu; còn lại 48 quốc gia, thì không có một phiếu chống nào, mà chỉ có 8 phiếu trắng. Bản Tuyên Ngôn về Quyền Làm Người được thông qua với 100% phiếu “thuận”.

Sự kiện này đánh dấu thời đại dân chủ toàn cầu của nhân loại. Vấn đề toàn cầu nổi lên là mỗi nước khi đã có độc lập, sẽ thực thi Quyền Làm Người cho mỗi người dân nước mình như thế nào?

Sưu tầm.